Sa sút trí tuệ – Phát hiện bằng cách nào?

Sa sút trí tuệ đề cập đến một nhóm các triệu chứng cho thấy chức năng não đã bị tổn thương như ảnh hưởng đến trí nhớ, suy nghĩ … Đây không phải là một bệnh cụ thể, nhưng một số bệnh khác nhau có thể gây ra chứng mất trí nhớ. Chẩn đoán sa sút trí tuệ được thực hiện bởi nhiều xét nghiệm để giúp điều trị được cả về thể chất và thần kinh cũng như kiểm tra được nhận thức.

1. Một số biện pháp giúp tiếp cận sa sút trí tuệ:

1.1. Tiêu chuẩn chẩn đoán SSTT của Hội Tâm thần Hoa Kỳ:

A. Suy giảm nhiều lĩnh vực nhận thức, biểu hiện bằng hai tiêu chí sau:

(1) Giảm trí nhớ (giảm khả năng học thông tin mới và nhớ lại các thông tin đã được học từ trước):

  • Có thể đánh giá trí nhớ làm việc bằng trắc nghiệm đọc xuôi và đọc ngược dãy số, khác nhau ≥ ba chữ số gợi ý suy giảm. Có thể kiểm tra trí nhớ ngắn hạn bằng cách đọc cho bệnh nhân nghe ba từ, sau đó khoảng 5 phút, yêu cầu bệnh nhân nhắc. Cũng có thể kiểm tra trí nhớ ngắn hạn bằng cách cho bệnh nhân xem 3 đồ vật (nhưng không đọc tên), sau đó giấu đi, 5 phút sau yêu cầu bệnh đọc tên 3 đồ vật đó. Một trắc nghiệm đánh giá trí nhớ ngắn hạn khác là đọc cho bệnh nhân nghe một đoạn văn, sau đó yêu cầu bệnh nhân kể lại.
  • Kiểm tra trí nhớ dài hạn bằng cách hỏi bệnh nhân những thông tin cá nhân có thể kiểm chứng được qua người nhà (VD: ngày sinh, học phổ thông ở trường nào, cưới năm nào…) và hỏi những kiến thức chung, phù hợp trình độ học tập và nền tảng văn hóa của bệnh nhân (VD: tên chủ tịch nước/tổng thống, tên lãnh đạo cấp cao nổi tiếng,…)

(2) Có một (hoặc nhiều) rối loạn nhận thức sau đây:

  • Mất ngôn (rối loạn ngôn ngữ) bao gồm, ngoài thất ngôn cổ điển, khó tìm từ và gọi nhầm tên. Khó tìm thấy từ thấy rõ trong SSTT giai đoạn muộn, thể hiện bằng các câu nói trống rỗng không có danh từ và động từ, bệnh nhân vẫn nói được các câu giao tiếp thông thường như “anh khỏe không?”. Ở giai đoạn đầu, có thể đánh giá bằng cách yêu cầu bệnh nhân nói càng nhiều tên con vật càng tốt trong vòng một phút. Bệnh nhân Alzheimer điển hình sẽ không nói được quá 10 tên con vật và thường nói trùng lặp. Họ cũng khó gọi tên các bộ phận của đồng hồ, thường nói không chính xác hoặc không nói được tên mà chỉ mô tả chức năng của các bộ phận (ví dụ “đây là cái để lên giây”).
  • Mất dùng động tác (không thực hiện được các động tác mặc dù chức năng vận động, như cơ lực và phối hợp động tác vẫn bình thường. Có thể kiểm tra bằng cách yêu cầu bệnh nhân đặt kim đồng hồ ở vị trí nào đó).
  • Mất nhận biết (không có khả năng nhận ra và xác định được đồ vật mặc dù chức năng giác quan bình thường).
  • Rối loạn chức năng điều hành (ví dụ: lên kế hoạch, tổ chức, sắp xếp các hành động theo thứ tự, trừu tượng hóa…).

B. Suy giảm nhận thức trong tiêu chuẩn A1 và A2 ảnh hưởng đáng kể chức năng nghề nghiệp và xã hội và giảm rõ rệt so với trước kia.

C. Những thiếu hụt này không xảy ra trong cơn sảng.

1.2. Trắc nghiệm tâm lý thần kinh:

A. Trắc nghiệm đánh giá trạng thái tâm thần tối thiểu (MMSE) được sử dụng rộng rãi nhất. Thời gian để làm trắc nghiệm này khoảng 7 phút. MMSE bao gồm các nhiệm vụ sau:

  • Xác định thời gian: (năm)(mùa)(ngày)(thứ)(tháng) – 5 tuổi
  • Xác định địa điểm: (nước)(bang)(thành phố)(bệnh viện) – 5 điểm
  • Nhắc lại từ: đọc 3 từ, yêu cầu bệnh nhân nhắc lại. Mỗi từ trả lời đúng cho 1 điểm. Sau đó nhắc lại cả 3 từ cho đến khi bệnh nhân thuộc. Tính số lần phải nhắc và ghi lại. Bệnh nhân trả lời 2 lần giống nhau thì tính điểm nhưng nếu nhắc tới 6 lần mà vẫn không nhớ được thì coi như không kiểm tra được khả năng nhớ lại muộn. Điểm tối đa là 3 điểm.
  • Làm phép tính 100 trừ đần đi 7: Mỗi câu trả lời đúng cho 1 điểm. Sau 5 lần thì ngừng lại. Một cách khác là đọc ngược một từ gồm 5 chữ cái: mỗi câu trả lời đúng cho 1 điểm. Tổng là 5 điểm.
  • Yêu cầu bệnh nhân nhắc lại 3 từ vừa hỏi lúc nãy: mỗi câu trả lời đúng cho 1 điểm. Tối đa 3 điểm.
  • Chỉ vào bút chì và đồng hồ đeo tay, yêu cầu bệnh nhân nói tên – 2 điểm.
  • Yêu cầu bệnh nhân nhắc lại câu “không, nếu, và hoặc nhưng”. Chỉ được nói một lần – 1 điểm.
  • Thực hiện một yêu cầu gồm 3 giai đoạn, “cầm tờ giấy bằng tay phải, gấp lại làm đôi và đặt xuống sàn nhà”. Mỗi phần trả lời đúng cho 1 điểm. Tối đa 3 điểm.
  • Đưa bệnh nhân một tờ giấy trên có viết “Hãy nhắm mắt”, yêu cầu bệnh nhân đọc và làm theo nội dung ghi trên giấy – 1 điểm.
  • Yêu cầu bệnh nhân viết một câu hoàn chỉnh. Câu phải có 1 danh từ và một động từ và phải có nghĩa – 1 điểm.
  • Yêu cầu bệnh nhân vẽ lại một câu hoàn chỉnh. Câu phải có 1 danh từ và 1 động từ và phải có nghĩa – 1 điểm.
  • Yêu cầu bệnh nhân vẽ lại một hình (ví dụ hai hình 5 cạnh lồng nhau). Hình phải đủ 10 góc và có 2 chỗ cắt – 1 điểm.

Điểm tối đa của trắc nghiệm này là 30 điểm. Dưới 24 điểm gợi ý SSTT.

B. Trắc nghiệm Mini-Cog: Bao gồm vẽ đồng hồ và nhắc lại 3 từ không liên quan (không có gợi ý). vẽ đồng hồ được xem là bình thường nếu tất cả các chữ số và kim đồng hồ chỉ đúng. Cách cho điểm như sau:

  • Không nhắc lại được từ nào coi như SSTT.
  • Nhắc đúng cả 3 từ coi như không SSTT.
  • Nếu nhắc được 1-2 từ thì dựa vào kết quả vẽ đồng hồ (bất thường = SSTT; bình thường = không SSTT).

2. Các xét nghiệm:

2.1. Xét nghiệm máu:

Xét nghiệm công thức máu, điện giải đồ… (tùy trường hợp cụ thể): có thể phát hiện các vấn đề về thể chất có thể ảnh hưởng đến chức năng não, chẳng hạn như thiếu vitamin B-12 hoặc tuyến giáp hoạt động kém.

Bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm máu để tìm các vấn đề như thiếu một số vitamin hoặc vấn đề về tuyến giáp
  • Xét nghiệm chỉ số Vitamin B12:

– Nhận định kết quả: Bình thường lượng vitamin B12 trong huyết thanh đối với trẻ mới sinh 160-1300 pg/mL hay 118-959 pmol/L và người trưởng thành 220-925 pg/mL hay 162-683 pmol/L.

– Ý nghĩa xét nghiệm: giúp bác sĩ lâm sàng có thể chẩn đoán nguyên nhân gây ra một số bệnh lý như bệnh trên hệ thống thần kinh. Từ đó đưa ra phác đồ điều trị chính xác bệnh. Giúp đánh giá sớm nguy cơ thiếu vitamin B12 trên những đối tượng có nguy cơ cao, nhằm bổ sung sớm lượng cần thiết tránh những biến chứng nguy hiểm do thiếu vitamin B12 gây ra như: thoái hóa myelin của thần kinh gây ra các dấu hiệu trên thần kinh, bệnh lý về máu…

  • Xét nghiệm chức năng tuyến giáp:

– Để đánh giá tình trạng của tuyến giáp, người ta phải xét nghiệm hormon tuyến giáp để xác định chỉ số. Đó là chỉ số thyroxine (T4) và Triiodothyronine (T3) và chỉ số TSH của tuyến yên. Thông người, các bác sĩ sẽ căn cứ vào tiền sử bệnh lý gia đình để có hướng xét nghiệm phù hợp.

– Chỉ số tuyến giáp bình thường được tính như sau:

+ Chỉ số TSH trong phạm vi từ 0,4 đến 5 mIU/L là mức độ bình thường.

+ Chỉ số T3 (ở người trưởng thành) đạt mức 1.3 – 3.1 nmol/l hoặc 0.8-2.0 ng/ml. Các chỉ số của T3 và T4 sẽ tăng giảm tương ứng đối với từng trường hợp.

+ Chỉ số T4 bình thường là khi đạt mức 12 – 22 pmol/l (0.93-1.7 ng/dL).

– Nhiều trường hợp chỉ số có thể thay đổi tăng giảm do người xét nghiệm sử dụng một số loại thuốc điều trị bệnh. Còn nếu các chỉ số vượt mức hoặc dưới mức bình thường đều cảnh báo tình trạng bệnh lý của tuyến giáp.

2.2. Chuẩn đoán hình ảnh não:

  • Chụp MRI não: được sử dụng từ trường mạnh, xung tần số vô tuyến và máy tính để tạo ra hình ảnh chi tiết của não giúp phát hiện các bất thường của não và chẩn đoán các tình trạng bệnh lý đang xảy ra trong não. Đôi khi với một số trường hợp cụ thể sẽ được tiêm chất tương phản vào tĩnh mạch cánh tay để nâng cao chất lượng hình ảnh. Chụp MRI não cũng có thể tiết lộ kết quả xem liệu có cơn đột quỵ nào đã xảy ra gần đây không. Trong nhiều trường hợp, các bác sĩ có thể yêu cầu chụp MRI lần thứ hai để đánh giá các thay đổi đã xảy ra trong khoảng thời gian giữa hai lần chụp.
  • fMRI – Chụp cộng hưởng từ chức năng não: sử dụng hình ảnh MR để đo lưu lượng máu và thay đổi oxy diễn ra trong một phần hoạt động của não. Xét nghiệm fMRI có thể được sử dụng để giúp đánh giá chức năng não đã bị ảnh hưởng như thế nào bởi đột quỵ, chấn thương hoặc bệnh thoái hóa như Alzheimer. Tuy nhiên, việc sử dụng phương pháp này như một xét nghiệm chẩn đoán lại bị hạn chế trong chứng mất trí.
Xét nghiệm fMRI có thể được sử dụng để giúp đánh giá chức năng não đã bị ảnh hưởng như thế nào
  • Chụp CT não: kết hợp thiết bị X-quang đặc biệt cùng với các máy tính để tạo ra nhiều hình ảnh hoặc hình ảnh chi tiết bên trong hộp sọ. Chụp CT có thể phát hiện tình trạng teo não liên quan đến chứng mất trí nhớ, đồng thời nó cũng cung cấp thông tin chi tiết về chấn thương đầu, đột quỵ và các bệnh não khác. Trong một số trường hợp cụ thể, sẽ được sử dụng chất tương phản để tiêm vào tĩnh mạch cánh tay giúp nâng cao chất lượng hình ảnh.
  • PET là xét nghiệm chẩn đoán sử dụng một lượng nhỏ chất phóng xạ để giúp chẩn đoán và xác định mức độ nghiêm trọng của một loạt các bệnh. PET có thể được kết hợp với chụp CT hoặc chụp MRI để cung cấp chi tiết về cả chức năng (từ quét PET) và giải phẫu (từ CT hoặc MRI) của não. Hơn nữa, xét nghiệm PET đặc biệt có thể giúp xác định các cụm protein bất thường liên quan đến bệnh Alzheimer.
  • Chọc dò tủy sống là một xét nghiệm chẩn đoán sử dụng kim để loại bỏ một lượng nhỏ dịch não tủy, chất lỏng bao quanh não và tủy sống. Nghiên cứu cho thấy những người mắc bệnh Alzheimer ở ​​giai đoạn đầu có thể có các cụm protein bất thường trong dịch não tủy.
  • Điện não đồ giúp phân biệt tình trạng sảng và SSTT.
  • Đánh giá tâm thần: Chuyên gia sức khỏe tâm thần có thể xác định liệu trầm cảm hoặc một tình trạng sức khỏe tâm thần khác đang góp phần vào các triệu chứng sa sút trí tuệ.

Tìm hiểu thêm về cách phòng ngừa và điều trị sa sút trí tuệ tại đây.

Nguồn: LinhQ tổng hợp


LinhQ – Thảo mộc Dược thực, Nhà Phát triển Hệ thống Phân phối Dược phẩm Thảo mộc Đa kênh.

Fanpage: LinhQ – Thảo mộc Dược thực

Hotline: 08 6765 9099

Email: hotro@linhquy.com

Address: 195 Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.