Bệnh nhân Ung thư Ruột già ngày càng tăng tại châu Á

Ung thư ruột già là một trong những ung thư thường xuyên và nguy hiểm nhất tại Hoa Kỳ.  Mỗi năm trên nướcMỹ hơn 130 ngàn người bị ung thư ruột già và trong số này gần phân nửa sẽ từ trần trong một thời gian ngắn sau khi bệnh được khám phá. Nếu so với các loại ung thư khác, ung thư ruột già đứng hàng thứ hai về số tử vong hàng năm, sau ung thư phổi.  Người ta ước đoán khoảng 6% dân chúng sống tại Hoa Kỳ sẽ bị ung thư ruột già, và 6 triệu người đang sống trên nước Mỹ sẽ lìa trần vì bệnh này.  Điều đáng ngại nhất là trong số những bệnh nhân này, tỷ số người Á châu càng ngày càng tăng nhanh.

 

Ruột già dài khoảng 1 thước 2, được chia thành đại-tràng lên (ascending colon), tràng ngang (tranverse colon), tràng xuống (ascending colon), tràng sigma (sigmoid colon) và đoạn cuối cùng (khoảng 15 đến 20 cm) là hậu-môn (rectum).  Tuy hậu-môn vẫn được xem là một phần của ruột già, ung thư hậu môn có một số cá tính khá đặc biệt.  Tuy nhiên trong khuôn khổ của bài viết, chúng tôi xin trình bầy chung với ung thư ruột già.

Ung Thư Ruột Già Là gì?

Ung thư xẩy ra khi một tế bào nào đó trong cơ thể của chúng ta bỗng dưng trở nên “hoang dại”, sinh sôi nẩy nở một cách nhanh chóng vượt khỏi sự kiểm soát chặt chẽ của các nhiễm thể.  (Nhiễm thể với tên khoa học là DNA nằm trong nhân của tế bào chứa đựng những đặc tính di truyền của mỗi một cá nhân).   Vì thế, tế bào ung thư sẽ tăng trưởng từ 1 thành 2, 2 thành 4, 4 thành 8, 8 thành 16 v.v. một cách rất nhanh và vô trật tự.   Nếu đó là tế bào da, ta bị ung thư da; nếu đó là tế bào ruột ta bị ung thư ruột.

Thông thường ung thư ruột phát xuất từ một tế bào nào đó trên màng ruột già.  Ban đầu chỉ là bướu nhỏ và từ từ lớn dần như trong hình số 1 và từ đó biến dạng thành ung thư như hình số 2.

                

                                   Hình 1: Bướu nhỏ trong ruột già                          Hình 2:  Ung thư ruột già

Thông thường bướu lớn hơn 2 cm bắt đầu biến dạng thành tế bào ung thư.  Trong một vài trường hợp hiếm hoi hơn, ung thư ruột thành hình một cách trực tiếp mà không qua trạng thái bướu ruột như đã trình bầy ở trên.  Trong trường hợp này tế bào ung thư không mọc lên như những nấm nhỏ mà chỉ “nhô” lên một chút (flat lesions) hay đôi khi bị lõm xuống (depressed lesions), nên rất khó định bệnh.  Ngay cả khi soi ruột già hoặc chụp hình quang tuyến, bệnh có thể không được khám phá trong những thời gian sơ khởi.  Đáng kể hơn cả, loại ung thư này có khuynh hướng phát triển nhanh chóng và lan tràn qua những cơ quan khác một cách dễ dàng hơn.

Ai có thể bị ung thư ruột?

Nói một cách tổng quát, ung thư ruột già là bệnh của người lớn tuổi. Nguy cơ bị ung thư ruột già tăng nhanh khi tuổi đời bước sang thập niên thứ năm.    Hơn 90% ung thư ruột già được khám phá ở những người 50 tuổi trở lên.  Cả hai phái nam và nữ đều có thể bị ung thư ruột già.  Người ta ước đoán cứ trong 16 người sống trên nước Mỹ sẽ có một người bị ung thư ruột già.

Cách đây không lâu, người ta vẫn cho rằng ung thư ruột già là bệnh của người da trắng, sống trong những thành phố kỹ nghệ, ăn nhiều thịt và chất béo hơn rau và trái cây.  Tuy nhiên theo một thống kê gần đây, tỷ lệ ung thư ruột già của người Á Châu đã và đang gia tăng một cách đáng ngại, nhất là với những người Á châu định cư lâu năm nơi các quốc gia phồn thịnh. Nếu phân biệt theo từng sắc dân sống trên Hoa-Kỳ, người Nhật tại Hawaii có tỷ lệ bị ung thư ruột già cao nhất nước Mỹ, người Trung-Hoa tại vùng Los Angeles có mức tỷ lệ ung thư ruột già gần như tương đương với người Mỹ da trắng.

Người Việt chúng ta sau một thời gian định cư tại Hoa-Kỳ với lối sống và cách thức ăn uống tương tự như dân địa phương cũng bắt đầu bị ung thư ruột già càng ngày càng nhiều hơn.

Những nguy cơ đưa đến ung thư ruột già 

Có lẽ cách thức ăn uống cũng như lối sống của chúng ta đóng một vai trò quan trọng nhất trong sự phát triển của ung thư ruột già.  Người dùng quá nhiều chất béo, thịt, mỡ, thức ăn với nhiều chất Cholesterol sẽ dễ bị ung thư ruột già hơn, nhất là nếu họ lại không ăn chất sơ, rau hoặc trái cây, hoặc quá mập.

Cũng như một số các loại ung thư khác, ung thư ruột già cũng có đặc tính di truyền.   Nghĩa là nếu bố mẹ bị ung thư ruột già, con cái cũng có thể dễ bị.   Điều này rất đúng cho những trường hợp khi vì đặc tính di truyền, bệnh nhân bỗng dưng có trên màng ruột của mình hàng trăm “cục” bướu (polyp).   Các bướu này xuất hiện một cách nhanh chóng và biến dạng thành các tế bào ung thư một cách mau lẹ.  Thí dụ điển hình là căn bệnh có tên là Familial Polyposis, khi hầu hết các bệnh nhân sẽ chết vì ung thư ruột già vào lứa tuổi 35 – 40, nếu không được khám phá và chữa trị kịp thời. Ngoài ra người bị viêm đường ruột như Crohn’s Disease, Ulcerative Colitis  cũng dễ bị ung thư ruột già hơn.

Vì đặc tính di truyền (bẩm sinh) của ung thư ruột già, ung thư vú và ung thư tử cung cùng nằm trên một nhiễm thể,   người bị ung thư  vú hoặc tử cung dễ bị ung thư ruột già hơn,  và ngược lại.

Triệu chứng của ung thư ruột già

Như viết ở trên ung thư ruột già tăng trưởng tương đối chậm chạp, nên đa số bệnh nhân hoàn toàn không có một triệu chứng nào, đến khi ung thư đã phát triển đến giai đoạn trầm trọng, hoặc lan tràn khắp nơi.

Tùy theo vị trí và tùy theo từng loại ung thư, bệnh nhân có thể chỉ bị đau bụng sơ sài, không đáng kể, hoặc bụng chỉ hơi xình trướng, khó chịu, hoặc đau “tưng tức” sau hoặc trước bữa ăn.  Vấn đề đại tiện có thể trở nên khác thường.  Ngày bị bón, ngày đi tiêu chảy.  Phân trở nên nhỏ lại, có thể pha với máu. Thông thường ung thư ruột già trong những giai đoạn đầu chỉ chảy rất ít máu, nên mắt trần sẽ không thấy.  Đến khi ung thư trở nên lớn hơn nhất là nếu ung thư nằm gần hậu môn, xuất huyết ruột già có thể rõ ràng hơn với những vết máu đỏ tươi hoặc máu bầm pha lẫn với phân. Mất máu lâu ngày, bệnh nhân có thể cảm thấy khó thở, hoặc chóng mệt.  Nếu không chữa kịp thời và đúng lúc, bệnh nhân có thể sẽ tiếp tục mất ký rất nhiều.

Một lần nữa, vì đa số ung thư ruột già không gây ra một triệu chứng nào đáng kể trong những thời gian đầu, bệnh thường trở nên bất trị một khi bệnh bộc phát. Điều này một lần nữa nhấn mạnh tầm vóc quan trọng của việc khám bệnh thường xuyên và định kỳ.

Làm Thế Nào để Tránh Bị Ung Thư Ruột Già ?

Sau đây là những lời khuyên của Hội Ung Thư Hoa Kỳ, The American Cancer Society, để tránh bị ung thư ruột già:

1) Từ 40 tuổi trở đi, cả hai phái nam và nữ cần phải đi khám bệnh tổng quát hàng năm.  Trong lúc khám định kỳ, Bác sĩ sẽ thử phân xem trong phân có máu hay không.  Vì mục đích là truy tầm ung thư, nên Quý vị nên đi khám trước khi bị đau đớn hoặc bệnh tật.   Nếu chờ đến lúc triệu chứng trở nên rõ rệt, chẳng hạn như đi tiêu ra máu, mới đi Bác Sĩ, có thể lúc đó ung thư đã quá lớn và rất khó chữa.

2) Nếu một trong những thân nhân gần của Quý vị bị ung thư ruột già, hoặc nếu Quý vị đã hoặc đang bị ung thư vú, ung thư tử cung, quý vị nên đi Bác Sĩ chuyên khoa về đường ruột, để được truy tầm ung thư ruôt già bằng phương pháp nội soi, tiếng Mỹ gọi là Colonoscopy  

3) Quý vị nên ăn nhiều rau, uống nhiều nước.  Nhất là các loại rau đậm mầu và nhiều loại trái cây khác nhau.   Điều này nói dễ hơn làm.  Trung bình Quý vị nên ăn khoảng 30 gram chất sơ mỗi ngày.  Để nhắc lại một quả cam, hoặc táo chỉ chứa khoảng 3 gram chất sơ mà thôi.  Vì thế, nếu Quý vị vì một lý do nào đó không thể ăn nhiều chất sơ được, chúng tôi khuyên Quý vị nên uống thêm chất cám bày bán trên thị trường như Metamucil, Konsyl, Citrucel  v.v. . . .

4) Vitamin A, C, E.  Nếu dùng đúng cách có thể làm ung thư ruột già phát triển chậm lại.

5) Người ta cũng nhận thấy một số các loại thuốc chống đau nhức như trong gia đình của chất Aspirin hay Ibuprofen, nếu được uống đều đặn có thể ngăn cản sự tạo hình của bướu ruột già.  Vì thế, một số các Bác sĩ vẫn khuyên nếu Quý vị hơn 40 tuổi mà không bị đau bao tử, Quý vị nên uống mỗi ngày một viên Aspirin loại 81 mg.  Như thế Aspirin không những tránh cho chúng ta đỡ bị tắc nghẽn mạch máu mà còn có thể giúp chúng ta đỡ bị ung thư ruột già hơn.

6) Trong một cuộc khảo cứu gần đây, người ta cũng nhận thấy rằng nếu uống Calcium mỗi ngày có thể giảm đi sự tái phát của bướu ruột già.

7) Tập thể dục đều đặn không những sẽ tạo cho Quý vị một cơ thể khỏe mạnh, còn có thể giúp vấn đề đại tiện trở nên tốt đẹp hơn.  Người quá mập cũng dễ bị ung thư ruột già hơn.

8) Từ 50 tuổi trở đi, Quý vị nên đi soi hậu môn và tràng Sigma (Flexible Sigmoidoscopy).   Nếu kết quả tốt, Quý vị chỉ cần soi định kỳ mỗi 3 đến 5 năm một lần. Gần đây hơn, Hội Ung Thư Hoa Kỳ (American Cancer Society) đề nghị từ 50 tuổi trở lên, ngay cả khi chưa có một triệu chứng nào cả, bệnh nhân cũng nên đi soi nguyên cả đại tràng (colonoscopy) thay vì chỉ soi một đoạn ngắn mà thôi.  Lời khuyên căn cứ trên sự nhận xét là ung thư ruột già trong những năm vừa qua có khuynh hướng xuất hiện phần ruột bên trong, nên nếu chỉ soi hậu môn (sigmoidoscopy), môt số ung thư sẽ không được khám phá kịp thời.  Vì đây là một khuyến cáo mới cho một phương pháp khá mắc tiền nên một số các bảo hiểm cũng như bác sĩ vẫn chưa ứng dụng một cách triệt để.

9) Nếu Quý vị có nhiều nguy cơ bị ung thư ruột già, như gia đình của Quý vị có người bị ung thư ruột lúc còn trẻ, Quý vị bị ung thư tử cung, ung thư vú, Quý vị tự nhiên bị mất máu hoặc thiếu chất sắt, đi cầu ra máu, hoặc vấn đề đại tiện thay đổi thất thường, bị đau bụng dưới một cách kỳ lạ, nhất là nếu bị mất ký ngoài ý muốn, Quý vị phải đi Bác Sĩ càng sớm càng tốt.

Cách Thức Định Bệnh :

Nhiều phương pháp khác nhau được ứng dụng trong việc khám nghiệm và truy tầm những bệnh tật của ruột già:

1) Chụp hình quang tuyến:

(a) Barium Enema

(b)  CT Colonography

(c) Soi ruột “ảo thật” (Virtual Colonoscopy)

2) Nội soi đường ruột (Colonoscopy)

Trong tất cả những phương pháp kể trên chỉ có phương pháp “Soi ruột ảo tưởng” (Virtual Colonoscopy) là không cẩn phải uống thuốc sổ ruột.

BARIUM ENEMA:

Khi chụp hình quang tuyến với danh từ y-khoa là Barium Enema, một ít chất huỳnh quang (Barium) sẽ được bơm thẳng vào hậu môn.  Sau đó ruột của bệnh nhân sẽ được thổi phồng lên bằng không khí để người Bác sĩ chuyên khoa về quang tuyến có thể nhận diện các sự thay đổi trên thành ruột già một cách dễ dàng hơn.  Vì trong quá trình định bệnh bằng phương pháp này bệnh nhân không cần thuốc mê hoặc chống đau, nên người bệnh có thể cảm thấy rất khó chịu trong một thời gian ngắn.  Phương pháp chụp hình quang tuyến, tuy rẻ tiền hơn, nhưng không được rõ ràng và chính xác bằng phương pháp nội soi đại tràng (colonoscopy).  Vì thế từ đầu năm 1998, Medicare (Hãng bảo hiểm sức khỏe cho người lớn hơn 65 tuổi hoặc tàn tật) chỉ cho bệnh nhân chụp hình Barium Enema nếu vì một lý do đặc biệt nào đó bệnh nhân không thể đi soi ruột già được.

ENDOSCOPY:

Trong phương pháp nội soi (Gastrointestinal Endoscopy), bác sĩ sẽ dùng một dụng cụ đặc biệt có khả năng phóng đại màng của ruột già lên màn ảnh TV.  Dụng cụ này là một ống cao-su mềm lớn khoảng bằng đầu ngón tay út với một máy quay phim tinh vi gọi là colonoscope.  Ống quay phim này sẽ được luồn từ từ vào hậu môn để tiếp tục đi dần vào ruột già.

Nếu chỉ cần soi hậu môn và tràng sigma (flexible sigmoidoscopy), bệnh nhân có thể được soi tại phòng mạch bác sĩ mà không cần thuốc gây mê hoặc chống đau.  Tuy nhiên nếu cần phải soi hết đại tràng (colonoscopy), bệnh nhân thông thường sẽ được soi tại một trung tâm ngoại chẩn do một bác sĩ chuyên khoa về hệ thống tiêu hóa.   Để giảm đi sự khó chịu và đau đớn, bệnh nhân sẽ được tiêm một ít thuốc ngủ và thuốc chống đau như Versed và Demerol.   Tuy phương pháp này mất công và mắc tiền hơn chụp hình quang tuyến, những tế bào tình nghi hoặc những bướu ruột già nếu không quá lớn, có thể được gắp ra hoặc cắt bỏ đi một cách an toàn mà không cần phải mổ sẻ.    Khác với trường hợp phải gây mê toàn diện khi đi giải phẫu, đa số các bệnh nhân khi soi ruột già chỉ cảm thấy hơi buồn ngủ mà thôi.  Với sự tiến triển của y-khoa, nội soi đường ruột trở nên an toàn hơn.   Tuy thế, một ít người kém may mắn có thể gặp một số trở ngại khi soi ruột già như bị dị ứng với các loại thuốc chống ngủ/đau nhức, bị chảy máu, nhiễm trùng, lủng ruột hoặc thiệt mạng.  May mắn thay, những điều kể trên ít khi xẩy ra.  Vì thế, ngày nay nội soi đường ruột đã trở thành phương pháp độc nhất, hữu hiệu nhất, an toàn và thông dụng nhất trong việc định bệnh và trị bệnh liên quan đến ruột già.

CT COLONOGRAPHY:

Song song với sự tiến triển trong ngành điện toán, nhiều phương pháp chụp hình quang tuyến tối tân hơn được ứng dụng trong việc truy tầm ung thư ruột già.  Đáng kể nhất là CT ruột già (CT Colonography) và soi ruột già ảo thực (Virtual Colonoscopy).  Đặc điểm của hai phương pháp này, là bệnh nhân không cần phải tiêm thuốc ngủ trong lúc thử nghiệm.

CT Colonography là một phương pháp chụp hình quang tuyến chính xác và rõ ràng hơn Barium Enema.  Tuy nhiên, giống như trong lúc chụp Barium Enema, trong phương pháp này bệnh nhân vẫn phải uống thuốc sổ để rửa ruột cho sạch.  Sau đó, họ sẽ uống hoặc được bơm một ít chất huỳnh quang vào ruột già. Để hình ảnh được rõ ràng hơn, một ít không khí hoặc khí CO2 sẽ được đưa vào hậu môn để “ép” chất huỳnh quang vào thành của ruột già. Tuy nhiên thay vì dùng quang tuyến X bình thường như trong lúc chụp Barium Enema, trong phương pháp này, người ta dùng máy quang tuyến điện toán (Computer Tomography Scan) để tìm kiếm những sự thay đổi nếu có trên màng của ruột già. Đây là một phương pháp mới với khả năng khám phá ra bướu ruột già một cách tương đối chính xác.  Người ta ước đoán khoảng 90% những bướu ruột lớn hơn 10mm sẽ được nhìn thấy trên hình ảnh của CT Colonography.  Con số này giảm xuống khoảng 60% cho những bướu nhỏ hơn 5 mm.  Vì thế nếu so với phương pháp soi ruột già (colonoscopy), CT Colonography kém chính xác hơn.  Nhưng vì đây là một phương pháp không cần phải tiêm thuốc ngủ, nên sẽ đỡ tốn kém hơn và an toàn hơn.

VIRTUAL COLONOSCOPY:

Gần đây nữa, nhờ vào tiến triển của nghành điện toán, người ta đã có khả năng nhận diện ruột già với hình 3 chiều (3 dimensional) tương tự như trong lúc soi ruột bằng máy quay phim, thay vì 2 chiều như Barium Enema và CT Colonography.  Phương pháp này là bước tiến dài của y khoa trong việc truy tầm ung thư ruột già với tên là Virtual Colonosopy.  Phương pháp này được xem rất chính xác với khả năng nhận diện những thương tích trên màng ruột già gần bằng với phương thức soi ruột.

Lợi điểm nhất của phương pháp này, là bệnh nhân không cần phải uống thuốc sổ và không phải tiêm thuốc ngủ hay thuốc chống đau như trong trường hợp soi đại tràng.   Trong phương pháp này, bệnh nhân sẽ phải uống một ít thuốc huỳnh quang trước khi chụp hình điện toán.

Sau đó ruột già được “thổi phồng” lên bằng một ống cao xu cắm vào hậu môn.  Toàn cơ thể bệnh nhân sẽ được đưa vào một máy chụp hình điện toán đặc biệt, và sau một thời gian từ 30 đến 60 phút, những dữ kiện thâu nhặt được từ máy chụp hình điện toán sẽ được sắp xếp lại thành hình để người y sĩ nghiên cứu.  Vì ruột bị “căng cứng” vì hơi trong một thời gian khá lâu, bệnh nhân có thể bị đau “quặn bụng” trong một thời gian ngắn.  Khuyết điểm của phương pháp này là không thể khám phá những mạch máu bất bình thường hoặc những bướu quá nhỏ.  Nếu thuốc huỳnh quang không trộn đều trong ruột, một số phân có thể được nhận diện như là những thay đổi bất bình thường của màng ruột già.  Hơn nữa, nếu đó là bướu hoặc u năng, bệnh nhân cần phải lấy ra hoặc khảo cứu bằng phương pháp tuy cổ điển – nhưng vẫn chính xác và hữu hiệu nhất.  Đó là soi ruột già.

Lợi Điểm của việc Soi Ruột Già

 Như đã trình bầy ở trên, ung thư ruột già thường phát xuất từ một tế bào nào đó trên màng ruột.  Lâu dần chúng biến thành những bướu nhỏ (polyp).  Khi soi ruột già, các bướu này có thể được cắt đi để thử nghiệm dưới kính hiển vi.  Vì thế, khác với tất cả các cách thức truy tầm ung thư ruột già kể trên, nội soi đường ruột là phương pháp độc nhất có thể chữa và cắt bỏ những bướu ruột già nếu không quá lớn.  Sau đây là cách thức cắt bỏ những bướu ruột già trong lúc soi ruột già.

                       

                    Bướu (Polyp) đại tràng                  Bướu đang được cắt bỏ           Bướu sau khi cắt xong

 Nếu bướu có đặc tính hoàn toàn lành, người ta gọi là HYPERPLASTIC.   Bướu hyperplastic sẽ không biến thành bướu ung thư, nên không cần phải lo lắng gì nữa.   Mặt khác, nếu bướu có trạng thái hoặc khả năng biến dạng thành ung thư, bướu sẽ được gọi là ADENOMATOUS.  Đây là một loại tiền ung thư.  Bướu này nếu không được lấy ra sẽ biến thành ung thư trong một thời gian từ ba đến bẩy năm, tùy theo kích thước và cơ cấu.  Vì thế bệnh nhân với bướu adenomatous cần được theo dõi kỹ lưỡng hơn.  Họ cần soi ruột già định kỳ, cứ 3 năm một lần.

Cách Chữa Ung Thư Ruột Già:

Theo thống kê của hội ung thư Hoa Kỳ, khoảng 50% tất cả các loại ung thư một khi được khám phá ra sẽ được chữa trị hoàn toàn.  Con số này có thể cao hơn nữa, nếu các bệnh ung thư được khám phá ra sớm hơn. Như viết ở trên, vì ung thư ruột già thường không gây ra một triệu chứng nào cả trong giai đoạn dễ chữa, phòng bệnh và truy tầm bệnh vẫn tốt hơn cả. 

Nếu ung thư ruột chỉ rất nhỏ tiềm ẩn trong bướu ruột như trong trường hợp carcinoma-in-situ, tế bào ung thư có thể được cắt bỏ một cách dễ dàng trong lúc nội soi.  Nếu bướu hoặc ung thư quá lớn, bệnh nhân cần phải được giải phẫu. Một khi được lấy ra ngoài, bệnh nhân có thể sẽ hoàn toàn hết bệnh và sống lại một cách bình thường.

Một khi ung thư đã lan đến những vùng lân cận hoặc những cơ quan khác nhau, bệnh sẽ khó chữa hơn.  Hiện nay, người ta vẫn chưa khám phá ra một phương thức nào có thể chữa dứt bệnh ung thư ruột già trong trường hợp bệnh đã lan ra khắp nơi (metastatic colon cancer).  Sau khi mổ, một số bệnh nhân có thể được tiếp tục chữa trị bằng nhiều loại thuốc khác nhau, danh từ y khoa là Chemotherapy.  Các lối chữa trị bấy giờ, chỉ hy vọng kéo dài đời sống hoặc giúp cho bệnh nhân có một đời sống tương đối bình thường trong những ngày tháng cuối cùng của họ. Điều này một lần nữa nhấn mạnh sự quan trọng trong việc phòng ngừa căn bệnh đáng sợ này.

Một số bệnh nhân vì hoàn cảnh tài chánh hoặc lý do riêng tư ngần ngại không muốn mổ ngay sau khi được khám phá ung thư ruột.  Điều này sẽ đưa đến những hậu quả đau đớn và tai hại hơn.  Khi ung thư lớn dần, họ sẽ tiếp tục mất máu, mỗi ngày một nhiều hơn.  Khi ruột bị tắt nghẽn vì “khối” ung thư, bụng trở nên vô cùng đau đớn và nhiều khi phải mổ khẩn cấp, nếu không sẽ bị thối hoặc lủng ruột.  Hơn nữa, nếu ung thư lan đến những cơ quan khác sẽ gây ra nhiệu triệu chứng như đau nhức xương, lưng, ngộp thở, mệt mỏi, khó chịu v.v. . . .

Tóm lại ung thư ruột già là một căn bệnh mà chúng ta ai ai cũng có thể bị.  Càng lớn tuổi càng dễ bị.  Tuy bệnh khó chữa, nhưng ung thư ruột già có thể phòng ngừa được một cách tương đối dễ dàng.  Tiếc thay, cho đến nay, người ta cũng chưa khám phá ra một phương pháp truy tầm ung thư ruột già nào toàn hảo, nghĩa là vừa tốt, an toàn, nhanh chóng không đau đớn khó chịu và rẻ tiền.

Cho đến nay vẫn chưa có một loại thử máu nào có thể dùng trong việc truy tầm ung thư ruột già một cách chính xác.  CEA, một chất hóa học bài tiết từ các tế bào ung thư ruột già, có thể tăng cao trong một số bệnh nhân bị ung thư ruột già.  Nhưng chất hóa học này có thể hoàn toàn bình thường trong nhiều trường hợp ung thư khác nhau.  Vì thế đa số các Bác sĩ chỉ thử nghiệm chất CEA này để theo dõi sự phát triển của ung thư nhiều hơn là để truy tầm ung thư.

Thử máu trong phân (Fecal Occult Blood Test) đã và đang được phổ biến và ứng dụng rộng rãi trên toàn thế giới.  Tuy nhiên phương pháp này cũng không được hoàn hảo, một phần ung thư ruột già không phải lúc nào cũng chảy máu, một phần vì một số thức ăn uống hằng ngày có thể làm kết quả thử máu trong phân trở nên kém chính xác hoặc sai lầm.  Chẳng hạn, như nếu thử phân sau khi ăn tiết canh vịt, cháo huyết, thịt beef steak v.v. kết quả có thể sẽ trở nên dương tính.

Soi hậu môn và tràng sigma chỉ khám phá được những mầm ung thư ở đây mà thôi.  Các mầm ung thư đại tràng lên và tràng ngang (ascending and transverse colon) sẽ không được khám phá ra bằng phương pháp này.

Hiện nay chỉ có một phương pháp độc nhất và chắc chắn nhất để truy tầm ung thư ruột già là nội soi cả đại tràng (Colonoscopy).  Tuy nhiên phương pháp này mắc tiền và tương đối rắc rối.  Hy vọng trong một tương lai gần đây, chụp hình quang tuyến theo lối virtual colonoscopy sẽ được phổ biến rộng rãi hơn.  Hiện nay chỉ một số trung tâm y tế tại Hoa Kỳ mới có những máy móc thích ứng cho phương pháp này.

Bác sĩ Bùi Xuân Dương tốt nghiệp Y-khoa tại University of Bern, Switzerland; tốt nghiệp chuyên khoa

nội thương và chuyên khoa đường tiêu hóa và gan tại St. Louis University Medical Center, Missouri. 

Bác Sĩ Dương hiện đang hành nghề tại Westminster, California.   E. Mail:  DuongBuiMD @AOL.com.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.